Thì là là gì?
Còn có tên gọi khác là thìa là, tên khoa học là Anethum graveolens L., thuộc họ Hoa tán (Apiaceae).
Mô tả
Là cây thân thảo sống lâu năm, có thân cao 60-80cm, nhẵn, khía rãnh dọc, rễ trụ. Lá có nhiều bẹ và phiến lá phát triển, phía thường xé 3 lần lông chim, phiến nhỏ như hình sợi chỉ, lá ở ngọn thường tiêu giảm, không có cuống.
Cụm hoa mọc ngọn, trên thân và các cành, tụ thành tán kép gồm 5-15 tán nhỏ, các tán này mang 20-40 hoa màu vàng. Quả dạng bế kép, nằm trên một cuống quả rẽ đôi, quả hình trứng có 10 cạnh.
Phân bố và thu hái
Thì là thường mọc dại ở miền Nam châu Âu, một số nước ở Bắc Phi. Ở Việt Nam được trồng ở nhiều nơi dùng làm gia vị rau trong các món ăn.
Thì là được hái lá tươi hoặc phơi khô, quả và hạt dùng làm hương liệu chế biến món ăn hoặc làm thuốc.
Thành phần hóa học
Trong 100g lá thì là tươi có đến 257% lượng vitamin A và 85mg vitamin C. Có chứa 4 loại flavonoid bao gồm quercetin, một hợp chất giúp giảm viêm và chống lại bệnh ung thư. Lá và quả đều có tinh dầu mà thành phần chủ yếu là limonene, carvon.
Trong đông y, thì là vị hơi đắng, tính ấm, mùi thơm hăng hắc, không độc. Có tác dụng bổ thận, chữa đau bụng, kích thích sự bài tiết nước tiểu và giúp cải thiện hoạt động của dạ dày.
Tác dụng và một số bài thuốc chữa bệnh từ thì là
1. Chữa táo bón cho trẻ: Lấy 1 nắm lá thì là tươi giã nát, vắt lấy nước cốt cho trẻ uống hoặc trộn 1-2 muỗng nước thì là vào thức ăn cho trẻ ăn cùng, giúp trẻ ngăn ngừa chứng rối loạn tiêu hóa.
2. Chữa mụn nhọt sưng tấy: Giã nát 1 nắm lá thì là tươi rồi đắp lên chỗ mụn nhọt sưng bị vỡ ra máu. Hoặc trộn lá đã giã nát với một ít bột nghệ, rồi đắp lên chỗ mụn sưng mủ sẽ nhanh lành.
3. Điều trị rối loạn kinh nguyệt: Lấy 60g dịch chiết từ lá thì là trộn chung với 15ml nước ép rau cần tây, chia uống 3 lần trong ngày. Ngoài chữa rối loạn kinh nguyệt, còn có tác dụng giảm đau bụng và cảm giác khó chịu trong ngày kinh.
4. Chữa hôi miệng: Mỗi ngày nhai 5-7 hạt thì là giúp hơi thở thơm hơn.
5. Chữa tiêu chảy, kiết lỵ: Trong một bài thuốc chữa tiêu chảy ngươi ta dùng 1 lượng nhau hạt thì là và hạt cỏ cari chiên với bơ (lượng rất ít) và kết hợp chúng với một số vị thuốc khác.
6. Giải cảm lạnh, viêm đường hô hấp: Dùng 60g hạt thì là hãm với nước sôi, lọc lấy nước thêm mật ong khuấy đều, chia uống 3 lần trong ngày.
7. Giảm đau sưng khớp: Dùng lá thì là đun trong dầu vừng thành một loại dầu, bôi trực tiếp lên vết thương sẽ giảm sưng,đau.
8. Lợi sữa: Nấu canh rau thì là ăn hoặc dùng hạt thì là hãm như trà uống, sẽ tăng tiết sữa cho sản phụ.
9. Chữa chứng mất ngủ: Ăn rau thì là vào bữa tối hoặc uống nước sắc từ hạt thì là trước giờ ngủ 1 tiếng sẽ giúp giấc ngủ ngon và sâu hơn.
10. Long đờm trong phổi và chữa đau họng: Súc miệng bằng 1-1,5 thìa café dầu hạt thì là có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh.
11. Chống trầm cảm: Hạt thì là sắc lấy nước uống hàng ngày là giải pháp khắ phục trầm cảm và rối loạn tâm trí.
12. Giảm ho: Siro làm từ nước thì là làm giảm bớt những cơn ho dai dẳng.
13. Ngăn ngừa các bệnh về tim: Hạt thì là chứa nhiều axit folic, làm giảm nguy cơ mắc bệnh về tim mạch và cần thiết cho sự phân chia các tế bào cơ thể trong quá trình tiêu thụ các axit amin.
14. Hỗ trợ bệnh đau dạ dày: Lấy hạt thì là khô tán bột sắc lấy nước uống trong ngày, giúp làm giảm các cơn đau liên quan đến hệ tiêu hóa.
15. Chữa viêm thận, sỏi thận: Lấy 5g hạt thì là giã nát hãm như trà, uống 5-6 lần trong ngày.
16. Trị chứng đái rắt: Lấy 1 nắm lá thì là tẩm với nước muối, sao vàng, tán thành bột. Khi dùng, lấy bánh mỳ quết với bột trên để ăn kèm.
17. Chữa sốt rét: Lấy 1 nắm hạt thì là tươi giã nát, vắt lấy nước cốt uống hoặc dùng hạt thì là khô, tán bột, sắc nước uống.
18. Chữa huyết áp cao, xơ vữa đông mạch: Lấy 5g hạt thì là giã nhỏ, sắc lấy nước uống trong ngày, uống liên tục nhiều ngày làm giảm cholesterol trong máu.
Lưu ý
- Phụ nữ mang thai nên hạn chế ăn thì là vì do trong rau có chữa một số chất gây kích thích tử cung và ảnh hưởng đến thai nhi.
- Tránh dùng hạt thì là quá liều. Hợp chất trong cây thì là có hại cho thần kinh,gây ảo giác và co giật nếu dùng quá nhiều.