Kỹ thuật trồng, bón phân, chăm sóc và chế biến bạc hà

Ngày đăng: 26-12-2017 12:04:32

Kỹ thuật trồng, bón phân, chăm sóc và chế biến bạc hà

CÂY BẠC HÀ

Tên khác: Bạc hà nam – Nhân đơn thảo (TQ)

Tên khoa học: Mentha arvensis L.

Họ: Hoa môi (Lamiaceae)

1. Mô tả, phân bố

Bạc hà là cấy thảo sống lâu năm,cao từ 10 – 70cm. Thân vuông có màu tía, mọc đứng hay bò; thân và lá đều có lông. Lá mọc đối, chéo chữ thập, mép có răng cưa, mặt trên và mặt dưới lá đều có lông che chở và lông tiết. Hoa tự hình xim co, mọc vòng ở kẽ lá (khác các loại Bạc hà khác), cánh hoa hình môi màu tím hay hồng nhạt, đôi khi cómàu trắng. Toàn cây có mùi thơm. Ở các tỉnh như: Hưng Yên, Hà Nội và mọc hoang nhiều ở Sa Pa (Lào Cai), Tam Đảo (Vĩnh Phúc).

Bạc Hà có nhiều loài, nên cần chú ý phân biệt để tránh nhầm lẫn:

– Bạc hà Việt Nam, Trung Quốc: M. arvensis L.

– Bạc hà châu âu: M. piperita L.

– Lục bạc hà: M. viridis L.; M. spicata. L.; M. citrata Ehrh.

1. Giống cây bạc hà

Do cây không thể kết hạt được trong điều kiện Việt Nam, nên phương pháp nhân giống chính áp dụng trong trồng bạc hà là nhân giống vô tính, người ta thường sử dụng thân ngầm để trồng, ngoài ra có thể dùng thân giải bò, thân non đem trồng.

Chọn thân ngầm có màu trắng hoặc xanh nhạt, các đốt ngắn, đường kính đốt lớn (5 mm), chiều dài mỗi đoạn hom 60 - 70 cm, rửa sạch cắt thành từng đoạn ngắn 15 - 20 cm đem trồng.

Trước khi trồng nên xử lý bằng cách ngâm vào dung dịch CuSO4 nồng độ 5 % trong thời gian 15 phút để diệt các loại nấm bệnh rồi mới đem trồng. Nếu trong điều kiện không trồng ngay thì cần bảo vệ nơi râm mát, thời gian bảo quản tối đa là 3 - 5 ngày. Lượng giống cần cho 1 ha 1000 - 1500 kg.

Cây bạc hà châu á (trái) và bạc hà châu âu (phải)

Cây bạc hà châu á (trái) và bạc hà châu âu (phải)

2. Thời vụ và mật độ trồng cây bạc hà

+ Thời vụ

Tùy theo các vùng sinh thái khác nhau mà có thời vụ trồng khác nhau, nhưng bạc hà trồng vào mùa xuân là tốt nhất.

Vùng núi cao do mùa rét kết thúc muộn cho nên thời vụ có thể trồng khoảng từ 25/1- 15/2.

Vùng đồng bằng và vùng khu Bốn cũ nên trồng từ 10/1- 5/2.

Vùng từ Quảng Nam, Đà Nẵng trở vào nên trồng vào cuối tháng 11 và trong tháng

Bố trí thời vụ trồng thích hợp để thu lứa đầu tiên vào các tháng 5,6,7; lứa thứ 2 thu vào tháng 8,9; lứa thứ 3 thu vào các tháng 9,10,11. Riêng miền núi chỉ thu được hai lứa.

Thời vụ trồng các loại bạc hà không khắt khe, nếu chủ động được tưới tiêu thì có thể trồng vào các tháng 8,9 và chú ý phải trồng sớm để bạc hà có thể chịu được rét trong mùa đông.

+ Mật độ lên luống và cách trồng cây bạc hà

- Trồng dày hợp lý để đạt năng suất cao, mật độ thích hợp 25 - 30 vạn cây/ha. Nên trồng theo luống để chủ động trong tưới và thoát nước.

- Lên luống và cách trồng:

Chiều rộng luống 1,5 - 2 m, rãnh sâu 20 cm, chiều dài luống tối đa 30 m. Rạch hàng cách hàng 30 - 35 cm, cây cách cây 10 - 12 cm.

Khi trồng đặt chếch hom 450 để ánh sáng chiếu vào được nhiều và lấp 2/3 hom, nén nhẹ đất.

3. Bón phân và chăm sóc cây bạc hà

Khối lượng chất xanh của bạc hà rất lớn, cho nên cây bạc hà yêu cầu lượng phân lớn và đa dạng về chủng loại phân bón như phân hữu cơ, các loại vô cơ phân đa lượng, trung lượng và vi lượng. Bạc hà là loại cây dễ thích nghi và dễ trồng, một năm cho thu hoạch 3- 4 lứa. Một lứa chưng cất cho từ 20 - 30 kg tinh dầu/ha, là loại cây chiếm đất lâu 10 - 12 tháng/năm cho nên đất trồng bạc hà 2 - 3 năm phải phá đi trồng lại do đó rất cần phân hữu cơ bón lót để cung cấp dinh dưỡng từ từ cho cây trong vài năm. M ột năm bón từ 8 - 10 tấn/ha phân chuồng. Các loại phân khác như đạm làm tăng số lá và kích thước lá, lân có tác dụng tăng cường phát triển bộ rễ và nâng cao chất lượng tinh dầu; bón 150 -200 kg đạm, 300 - 400 kg supelân/ha, phân kali cần phải dựa vào phân tích đất cụ thể của vùng làm căn cứ để bón. Thường thì người ta bón 100 kg K2SO4 cho một ha, nếu bón nhiều kali sẽ làm tăng chất xanh nhưng giảm năng suất về tinh dầu.

Lượng phân đầu tủ tối thiểu cho 1 ha/năm bạc hà

+ Phân hữu cơ hoai mục: 30 tấn

+ Đạm urê: 180 kg

+ Supe lân: 300 kg

+ Kalysunfat: 100 kg

+ Cách bón:

Toàn bộ phân chuồng, phân lân được ủ, bón lót 2/3 và 1/3 lượng phân còn lại bón vào giai đoạn phân cành chia làm 3 lần bón sau các lần cắt.

Phân đạm và kaly chia đều bón thúc cho cây khi cây cao 10 cm, cây phân cành và bắt đầu ra nụ.

  • Chăm sóc cây bạc hà

- Dặm tỉa thường được tiến hành sau trồng, khi cây mọc chúng ta tiến hành dặm để đảm bảo mật độ. Để đảm bảo mật độ và lượng tinh dầu cho lứa cắt thứ 2 trong năm thì cần tỉa loại bớt các phần thân giải bò và một phần thân bạc hà mọc lan ra mép ngoài luống; mục đích giảm sự tranh chấp dinh dưỡng trong ruộng, để lại từ 40 - 50 cây/1m của hàng cây.

- Tưới nước, làm cỏ, xới xáo vàì các công việc khác. Việc làm cỏ xới xáo kết hợp với bón phân thúc lần 1,2,3. (khi cây cao 10 cm, cây phân cành và bắt đầu ra nụ). Làm cỏ tốn nhiều công nên nông dân nư ớc ta có kinh nghiệm chăn thả ngổng trong ruộng bạc hà để ngỗng ăn cỏ, 1 ha cần chăn thả 2 - 3 con ngỗng.

Ruộng bạc hà luôn cần có ẩm độ đất từ 70 - 75 % để cây sinh trưởng và phát triển nên cần phải tưới nước giữ ẩm. Tuy nhiên do cần giảm hàm lượng nước trong lá và tăng tỷ lệ tinh dầu nên ngư ng tưới nước trước khi thu hoạch 2 tuần.

- Phòng trừ sâu bệnh trên cây bạc hà cũng là một việc làm liên tục và rất cần thiết. Khi cây bị nhiễm sâu bệnh thì phải có những biện pháp tác động kịp thời nhằm đảm bảo sức sinh trưởng phát triển của cây để có phẩm chất tốt.

4. Thu hoạch và chế biến bạc hà

Để có năng suất cao và phẩm chất tinh dầu tốt thì phải thu đúng thời vụ, chưng cất kịp thời, cần chú ý mối quan hệ cân đối giữa nguyên liệu thu hoạch và trang thiết bị cung cấp.

  • Thu hoạch

Để thu hoạch bạc hà đúng lúc người ta dựa vào các căn cứ sau:

+ Tùy thuộc vào từng giống mà có thời điểm thu hoạch thích hợp, có giống khi hoa nở 50 % thì hàm lượng tinh dầu đạt cao nhất, cũng có những giống hoa nở 70 % thì hàm lượng tinh dầu đạt cao nhất. Hầu hết các giống bạc hà nước ta đang trồng thu hoạch khi hoa nở được 50 %.

+ Tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, tuổi cây; nên thu hoạch vào lúc nắng ấm và khô sương. Nếu thu hoạch 3 lần trong năm thì thu hoạch lần 1 trước tiết Mang chủng (6/6), lần 2 vào tiết Xử thử (24/6), lần 3 vào tiết Sương giáng (24/10). Nếu giống có hàm lượng tinh dầu cao nhất khi trên ruộng có 70 % hoa nở thì ta nên thu hoạch vào lúc hoa nở 30 % trên đồng ruộng để khi hoa nở được 70 % thì đã thu hoạch xong.

  • Chế biến

Sau khi thu hoạch xong nếu chưng cất ngay là tốt nhất, trên thực tế người ta để héo bằng cách rải mỏng ở ngoài đồng ruộng hay trong nhà với mục đích làm giảm hàm lượng nước, thuận tiện cho chưng cất nhưng không để bạc hà héo tối đa quá 3 ngày.

+ Kỹ thuật chưng cất tinh dầu:

Nguyên tắc thường áp dụng là rút tinh dầu từ hơi nước được gọi là phương pháp “cất kéo hơi nước”, khi ở nhiệt độ 350 C thì tinh dầu bốc hơi cùng hơi nư ớc đi qua bộ phận làm lạnh để trở lại thể lỏng, tinh dầu nhẹ sẽ nổi lên trên từ đó chúng ta có thể rút tinh dầu ra khỏi nước.

Các dụng cụ trong lò chưng cất tinh dầu bao gồm: Lò để đun, nồi để chưng cất, nồi được gắn liền với ống thoát hơi nước và tinh dầu, bình sinh hàn, bình chứa sản phẩm ngưng tụ, nguồn nư ớc làm lạnh.

Cách tiến hành trong chưng cất:

Trước hết rửa nồi bằng nước sôi 15 phút, sau đó cho nước sôi vào nồi chứa nguyên liệu, đậy nắp và tăng nhiệt độ cho nước sôi trở lại, tiếp đến cho nguyên liệu và nồi chưng cất, nên nén nguyên liệu thật chặt để hơi nước thoát ra đều, sau đó đậy nắp tiếp tục đun sôi 10 - 15 phút thì thấy nước và tinh dầu bắt đầu chảy ra bình ngưng tụ. Kiểm tra và đảm bảo nhiệt độ luôn < 35 0 C, lượng hỗn hợp nước và tinh dầu chảy trong 1 h đạt 60 lít là tốt, nếu thấp hay cao hơn tốc độ này thì phải điều chỉnh nguồn nhiệt, sau khoảng 2 - 2,5 h (với nguyên liệu bạc hà tươi và 1,5 h với nguy ên liệu bạc hà để héo) thì kết thúc một mẻ chư ng cất tinh dầu, đồng thời lúc này nư ớc trong nồi chưng cất đạt 100 0 C.

Khi thấy nước chảy ra ít tinh dầu thì ngừng cất, đổ bã đi, cho nước sôi vào nồi và tiếp tục các quá trình chưng cất một nồi khác.

Hỗn hợp thu được để lắng đọng thành 2 lớp, tách tinh dầu ra, tinh dầu lúc này có màu tối, mùi vị khó chịu do đó chúng ta cần xử lý để làm sạch tinh dầu. Khi thấy hỗn hợp đục, màu tối chúng ta dùng axit Tartric đậm đặc hay muối Tartrat, đổ dung dịch này từ từ vào tinh dầu sau đó lắc mạnh cho đến khi màu tối không còn nữa thì ngừng lại Sau đó để lắng đọng thành 2 lớp hút tinh dầu trong ra. Trong trường hợp có mùi khét và có màu tối thì dùng than hoạt tính cho vào tinh dầu với tỷ chất than này 5 %, lắc, lọc sẽ được màu và hương vị trở lại bình thường.

Bảo quản tinh dầu:

Tinh dầu dễ bị phân huỷ trong nhiệt độ cao và ánh sáng trực xạ, nên tinh dầu sau khi chưng cất và làm sạch phải bảo quản ở nơi thoáng mát, tránh ánh sáng, đựng tinh dầu trong bình thuỷ tinh có màu, thùng tráng men, thùng kẽm.

Kết tinh và tách Menthol: Muốn chiết xuất được tinh dầu nghĩa là chúng ta phải định lượng được Menthol và Menthola, định lượng Menthol thuỷ phân và tự do trong tinh dầu. Kết tinh và tách Methol tinh thể ra khỏi tinh dầu được tiến hành theo các bước:

Bước 1: Đưa tinh dầu làm lạnh từ từ ở nhiệt độ từ 13 - 14oC, khi thấy một phần Methol dưới đáy, lọc kết tinh ra và phần tinh dầu còn lại tiếp tục ở bước tiếp theo.

Bước 2: Hạ thấp nhiệt độ xuống 10o C trong khoảng thời gian từ 1 - 3 ngày một phần Methol sẽ lọc được kết tinh.

Bước 3: Đưa tinh dầu còn lại của bước 2 vào nhiệt độ 3 - 5o C, sau 1 - 3 ngày chúng sẽ kết tinh hết.

Tinh thể Methol bước 1 có kích thước lớn hơn tinh thể bước 2 và tinh thể bước 2 cũng lớn hơn tinh thể bước 3 ngưng tụ. Tinh thể thu được ở các bước sẽ phải rửa sạch để loại bỏ tinh dầu bám vào, có thể dùng máy ly tâm loại 1200 vòng/phút để loại dầu, nước ra khỏi tinh thể, hoặc có thể rửa tinh dầu methol bằng xà phòng 0,25 %, sau đó đem rửa nước lạnh, cuối cùng làm khô tinh thể methol ở nhiệt độ 25 - 26oC trong thời gian 40h. Tỷ lệ Methol thu được tuỳ thuộc vào tỷ lệ của chúng có trong tinh dầu.

ThS. Vũ Tuấn Minh

 
Nguồn: Bài giảng cây dược liệu - Đại học nông lâm Huế

Chia sẻ:

Bình luận

Bài viết liên quan

zalo
0968244268